Viện kiểm sát nhân dân Khu vực 1 – Đà Nẵng

vien-kiem-sat-nhan-dan-khu-vuc-1-da-nang

Thực hiện chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương, Bộ chính trị. Thực hiện Nghị quyết số 84/2025/UBTVQH15 ngày 27/6/2025 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc Thành lập Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện kiểm sát khu vực. Ngày 01/7/2025, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Đà Nẵng đã công bố thành lập Viện kiểm sát nhân dân khu vực nhằm bảo đảm phù hợp với địa giới hành chính mới. Việc sáp nhập các đơn vị Viện kiểm sát nhân dân quận, huyện không chỉ là sự sát nhập về địa giới hành chính, mà còn đặt ra yêu cầu cao hơn về tổ chức, nhân sự, phương thức quản lý và chất lượng công tác kiểm sát trong bối cảnh mới.

Trên cơ sở đó, ngoài chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn thì đối với các địa điểm đặt trụ sở Viện kiểm sát nhân dân Khu vực tại các tỉnh thành trên cả nước nói chung cũng như Khu vực tại Đà Nẵng nói riêng đã có những thay đổi nhất định. Bài viết này sẽ mang đến những thông tin cụ thể đối với nội dung nêu trên.

1. Nhiệm vụ, chức năng của Viện kiểm sát nhân dân

Viện kiểm sát nhân dân có nhiệm vụ: bảo vệ Hiến pháp và pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, góp phần bảo đảm pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất (Khoản 2 Điều 2 Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân 2014).

Viện kiểm sát nhân dân có chức năng:

– Chức năng thực hành quyền công tố (Khoản 1 Điều 3 Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân 2014);

– Kiểm sát hoạt động tư pháp của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam(Khoản 1 Điều 4 Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân 2014).

Ngoài ra, nhằm cụ thể hóa chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn sau khi sát nhập, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) tối cao vừa ban hành Thông tư số 02/2025/TT-VKSTC ngày 30/6/2025, quy định thẩm quyền của VKSND các cấp trong việc thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân thủ pháp luật trong giải quyết vụ việc, vụ án hình sự và Thông tư số 03/2025/TT-VKSTC ngày 30/6/2025 quy định về tiếp nhận nhiệm vụ, thực hiện thẩm quyền của VKSND các cấp. Tại các văn bản này, VKSND khu vực tiếp nhận thêm các nhiệm vụ, thực hiện thẩm quyền với các nội dung cụ thể:

– Tiếp nhận nhiệm vụ giải quyết vụ việc, vụ án hình sự, hành chính, vụ việc dân sự, vụ việc phá sản và các vụ việc khác mà VKSND cấp huyện chưa giải quyết xong; những vụ việc, vụ án mà bản án, quyết định của TAND cấp huyện bị hủy để giải quyết lại theo thủ tục sơ thẩm;

– Kiểm sát việc giải quyết theo thủ tục sơ thẩm các vụ việc dân sự, vụ án hành chính, vụ việc phá sản và những vụ việc khác theo quy định của pháp luật thuộc thẩm quyền của TAND khu vực, bao gồm:

–  Kiểm sát việc thụ lý giải quyết theo thủ tục sơ thẩm các vụ án hành chính, vụ việc dân sự, vụ việc phá sản và các vụ việc khác thuộc thẩm quyền của TAND khu vực theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Phá sản, Luật Trọng tài thương mại, Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án và các luật khác, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có liên quan;

–  Kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc dân sự và các vụ việc khác thuộc thẩm quyền của TAND khu vực mà TAND cấp tỉnh đã nhận đơn khởi kiện, đơn yêu cầu trước ngày 01/7/2025 nhưng chưa thụ lý;

–  Kiểm sát việc TAND khu vực thụ lý, giải quyết vụ án hành chính, vụ việc dân sự đã tiến hành hòa giải, đối thoại tại TAND cấp tỉnh nhưng thuộc trường hợp chấm dứt hòa giải, đối thoại theo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án hoặc TAND cấp tỉnh đã ra quyết định không công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành theo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

–  Kiểm sát việc TAND khu vực xem xét, quyết định hoãn, miễn, giảm, tạm đình chỉ, miễn chấp hành phần thời gian áp dụng xử lý hành chính còn lại trong việc xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại TAND, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi;

– Kiểm sát việc TAND khu vực xem xét, quyết định tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù; quyết định trưng cầu giám định pháp y, pháp y tâm thần đối với phạm nhân, áp dụng biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh đối với người đang chấp hành án phạt tù; các nhiệm vụ, quyền hạn khác trong thi hành án theo quy định của pháp luật;

– Kiểm sát việc giải quyết vụ việc phá sản, vụ việc dân sự, kinh doanh, thương mại, vụ án hành chính về sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ thuộc thẩm quyền của TAND khu vực;

– Kiểm sát việc giải quyết đối với vụ việc bắt giữ tàu bay, tàu biển thuộc thẩm quyền của TAND khu vực mà TAND cấp tỉnh đã nhận đơn yêu cầu trước ngày 01/7/2025 nhưng chưa thụ lý;

– Thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tương trợ tư pháp theo thẩm quyền;

– Giải quyết khiếu nại đối với quyết định, hành vi tố tụng của Phó Viện trưởng, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên của VKSND cấp huyện, VKSND khu vực và những trường hợp khác theo quy định pháp luật;

– Viện trưởng VKSND khu vực giải quyết tố cáo hành vi tố tụng của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng thuộc VKSND khu vực, VKSND cấp huyện, trừ tố cáo đối với hành vi tố tụng của Viện trưởng, Phó Viện trưởng VKSND khu vực và của Viện trưởng, Phó Viện trưởng VKSND cấp huyện theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính và pháp luật khác có liên quan;

– Kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp của các cơ quan tư pháp theo thẩm quyền;

– Kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong thi hành án dân sự, thi hành án hành chính của cơ quan thi hành án dân sự, cơ quan có trách nhiệm thi hành án hành chính, TAND khu vực, Chấp hành viên, tổ chức, cá nhân khác được giao nhiệm vụ tổ chức thi hành án dân sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong phạm vi khu vực theo quy định;

– Kiểm sát việc giải quyết các vụ việc khác và thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.

2. Viện Kiểm sát nhân dân khu vực thành phố Đà Nẵng sau sáp nhập

Sau khi sáp nhập đơn vị hành chính, hệ thống Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) sẽ được tổ chức lại theo hướng tinh gọn, giảm cấp và thay đổi về bộ máy tổ chức. Cụ thể, VKSND sẽ chuyển từ mô hình 4 cấp (Tối cao, cấp cao, cấp tỉnh, cấp huyện) xuống còn 3 cấp (Tối cao, cấp tỉnh, cấp khu vực).

Theo đó, đơn vị trực tiếp thực hiện nhiệm vụ tại khu vực được thành lập theo quy định tại Điều 2 Nghị quyết 84/2025/UBTVQH15 như sau:

“Điều 2. Thành lập Viện kiểm sát nhân dân khu vực

Thành lập 355 Viện kiểm sát nhân dân khu vực tại 34 tỉnh, thành phố; số lượng và tên gọi cụ thể của các Viện kiểm sát nhân dân khu vực tại từng tỉnh, thành phố được quy định chi tiết tại Phụ lục kèm theo Nghị quyết này.

Các Viện kiểm sát nhân dân khu vực thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, các luật về tố tụng và quy định khác của pháp luật có liên quan; kế thừa quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của các Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện theo quy định của pháp luật với phạm vi được quy định chi tiết tại Phụ lục kèm theo Nghị quyết này.”

Trên cơ sở thực hiện Nghị quyết nêu trên, tại Phụ lục kèm theo Quyết định 115/QĐ-VKSTC được Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành quy định cụ thể về địa chỉ của Viện kiểm sát nhân dân các cấp trên cả nước nói chung cũng như địa chỉ trụ sở làm việc của Viện kiểm sát nhân dân khu vực thành phố Đà Nẵng nói riêng.

3. Thông tin về Viện kiểm sát nhân dân khu vực 1 Đà Nẵng

Sau khi thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị hành chính cấp xã nhằm tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, Viện kiểm sát nhân dân tại 03 đơn vị hành chính cấp xã thuộc thành phố Đà Nẵng: Hải Châu, Hòa Cường, Hòa Xuân. đã được bố trí đặt trụ sở tại phường Hải Châu – đơn vị trung tâm có vị trí thuận lợi, đáp ứng yêu cầu về cơ sở vật chất, giao thông và tiếp dân, phục vụ tốt nhất cho hoạt động thực hành quyền công tố, kiểm sát các hoạt động tư pháp khác trên địa bàn.

Viện kiểm sát nhân dân khu vực 1 – Đà Nẵng

Trụ sở đặt tại địa chỉ 36 Cô Giang, phường Hải  Châu, thành phố Đà Nẵng.

Thời gian làm việc: Từ thứ 2 – thứ 6 trong tuần

Sáng: từ 07 giờ 30 phút đến 11 giờ 30 phút

Chiều: từ 13 giờ 30 phút đến 17 giờ 30 phút

4. Cơ cấu tổ chức của Viện Kiểm sát nhân dân Khu vực 1 – Đà Năng

Viện kiểm sát nhân dân Khu vực 1 – Đà Nẵng có nhiệm vụ, quyền hạn thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp trong phạm vi địa bàn khu vực. Theo đó, VKSND khu vực có cơ cấu  tổ chức gồm:

– Viện trưởng;

– Các Phó Viện trưởng;

– Kiểm sát viên;

– Kiểm tra viên;

– Công chức và người lao động

Viện trưởng VKSND khu vực do Viện trưởng VKSND Tối cao bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức.

Viện trưởng VKSND khu vực có nhiệm vụ, quyền hạn chỉ đạo, điều hành, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, kế hoạch công tác, quyết định các vấn đề về công tác của VKSND cấp mình và thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật; chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Viện trưởng VKSND cấp tỉnh. Nhiệm kỳ của Viện trưởng VKSND khu vực là 5 năm, kể từ ngày được bổ nhiệm.

5. Dịch vụ Luật sư giải quyết vụ việc tại Viện kiểm sát nhân dân Khu vực 1 – Đà Nẵng

Tùy vào tính chất vụ việc của bạn là vụ việc dân sự, vụ án hình sự, vụ án hành chính mà Luật sư sẽ có những tư vấn và thực hiện các công việc khác nhau.

Từ trụ sở Viện kiểm sát nhân dân Khu vực 1 – Đà Nẵng di chuyển sang Công ty Luật TNHH Dương Gia chi nhánh Đà Nẵng chỉ 7 km (khoảng 15 phút đi xe). Văn phòng đặt tại địa chỉ số 141 Diệp Minh Châu, phường Hòa Xuân, thành phố Đà Nẵng.

Trên đây là một số nội dung liên quan đến sự thay đổi về nhiệm vụ quyền hạn, chức năng, địa chỉ cũng như các thông tin có liên quan đến Viện kiểm sát nhân dân Khu vực 1 – Đà Nẵng cùng những dịch vụ luật sư mà Luật Dương Gia cung cấp. Trường hợp có thắc mắc vui lòng liên hệ Luật Dương Gia theo số hotline 1900 6568 để được hỗ trợ và tư vấn.

CÔNG TY LUẬT TNHHH DƯƠNG GIA - CHI NHÁNH ĐÀ NẴNG

Địa chỉ: 141 Diệp Minh Châu, phường Hòa Xuân, thành phố Đà Nẵng

Điện thoại: 0931548999; 02367300899

Gọi ngay
Gọi ngay